[Thứ Tử] _ 002.

Thứ Tử Quy Lai

Ôn Mộ Sinh

Thể loại: trung khuyển chất tử công x tâm cơ thứ tử thụ, cổ đại, trọng sinh, trạch đấu, cung đấu, báo thù, ngược tra, sinh tử, đổi công, ngọt vcl luôn, 1×1, HE.

Biên tập: Seven Oxox

002. Sống lại kiếp này.

Mùa đông, thành Giang Châu.

Giang Châu là một tòa thành lớn ven biển phía đông bắc của Đại Chu, cách kinh thành hơn tám trăm dặm, nổi tiếng về cá tuyết nói riêng và hải sản nói chung.

Thành Giang Châu thiên nhiều hơn về hướng bắc, cũng gần biển hơn, nên cứ đến đông là tuyết bay trắng xóa đầy trời – nên còn được gọi là Tuyết thành. Với người ngoài thì khung cảnh này rất đẹp, nhưng với người Giang Châu bản địa thì không – có đẹp thì nhìn nhiều cũng chán, hơn nữa, tuyết nhiều quá cũng khó đi lại. Vì thế, cứ đến mùa đông ngập tuyết là lại có nhiều nhà đóng cửa không ra, trong thành cũng rất im lặng, hiếm có người trên đường.

Nhưng không phải nhà nào cũng im lặng như thế, ít nhất là Võ An bá phủ ở phía nam thành thì không.

Võ An bá – Ninh Như Hải là một hậu duệ quý tộc rất có tiếng nói ở Giang Châu. Tổ phụ gã – Ninh Quyền – đã lên đến chức Quốc công, bản thân gã cũng văn võ song toàn, mười tám tuổi đã đỗ Thám hoa, được vào Hàn Lâm Viện làm chân biên soạn, rồi bái một Viên Ngoại lang làm thầy, lên chức thị lang. Năm hai mươi ba tuổi thì gã bỏ văn theo võ, ra biên giới phòng thủ ba năm, chiến công lập được phải nói là hằng hà sa số, đi thẳng lên chức Vũ Tướng quân; cuối cùng là được phong làm Võ An bá, trở thành thần tượng tuổi trẻ tài cao cho phần lớn lớp trẻ trong kinh thành thời bấy giờ.

Tiếc là ông trời trêu ngươi, để tổ phụ gã bỗng dưng chết bệnh ngay khi gã còn hăng hái nhất. Phụ thân gã không đấu lại được đám họ hàng như lang như hổ, đau buồn mà chết, làm bác gã thừa thế dành được cái chức Ninh Quốc công. Chuyện đầu tiên bác gã làm sau đó là liên hợp với vài tên trọng thần trong triều, tìm cớ để cách chức gã đi rồi đuổi khỏi kinh thành, đá đến Giang Châu làm chân tổng quản và phòng thủ quân đội.

Cũng may là, tuy bị giáng chức nhưng Ninh Như Hải vẫn giữ được tước vị. Ở nơi xa xôi như Giang Châu, thân phận chẳng ra gì ở kinh thành của gã thế mà lại khá là cao quý, sau khi phấn đấu hơn mười năm, Ninh phủ đã sớm trở thành nhà giàu số một số hai ở chốn này.

Ở Tương Liên viện – một tiểu viện rách nát ở góc bắc Ninh phủ.

Nơi nhỏ hẹp này vốn chẳng có mấy người qua lại, nhưng hôm nay lại có một đám người xúm xít – rất nhiều nha hoàn hoặc cầm ô hoặc cầm noãn lô đang vây quanh hai người phụ nữ mặc quần áo sang trọng. Mà đối diện với tất cả bọn họ, là ba người một nhỏ hai lớn, đang rét run đứng ở phía kia.

Trong hai người phụ nữ mặc đồ sang trọng thì có một người mặc áo màu xanh dương thêu hoa văn hoa cỏ, nom khá lớn tuổi, trên tóc cài hai cây trâm mã não, khuôn mặt rất chững chạc và đoan trang. Người còn lại mặc áo vàng thêu hoa sen thì trẻ hơn rất nhiều, khóe mắt đuôi mày đều được trang điểm tỉ mỉ; trâm cài, vòng tay vòng cổ leng keng không dứt, phối với khuôn mặt xinh đẹp quyến rũ, quả đúng là quý khí tràn ngập.

Chẳng qua là, biểu cảm trên gương mặt người áo vàng chẳng phù hợp với trang phục của ả ta gì cả. Ả chau mày liễu, móng tay sơn đỏ chỉ thẳng vào thiếu niên đang quỳ trên nên tuyết, giận dữ nói: “Ti tiện đúng là ti tiện, sinh con ra cũng là hạng ti tiện! Có gan làm chuyện ô nhục mà không có gan thừa nhận hả! Thừa dịp lão gia rời phủ để làm loạn phải không! Coi thường trường bối đến thế phải không!”

Thiếu niên đang quỳ tầm mười ba mười bốn tuổi. Dưới thời tiết lạnh đến độ nước đóng thành băng này, y chỉ mặc một chiếc áo xám trắng, khoác thêm một cái áo xanh đen chẳng dày dặn gì; vì quỳ trong tuyết quá lâu mà đôi gò má tái nhợt đã bị lạnh đến đỏ bừng lên.

Bị mỹ phụ chỉ trích nhưng y cũng không phản ứng, chỉ ngước lên đôi mắt sáng rực, lặng lẽ đánh giá hoàn cảnh xung quanh.

Khoảng sân chẳng rộng lắm, cây hòe già ở góc tường phía đông, bên đó là giếng cạn, dưới mái hiên xiêu xiêu vẹo vẹo là một con ngựa tre, và giấy hoa đã bạc màu dán trên khung cửa sổ… y mang máng nhớ, hình như giao thừa năm mười tuổi, y đã tự tay cắt nó ra với muội muội và nương.

Tất cả mọi thứ… đều y hệt như trong trí nhớ.

Y lại nhìn sang bên – đang đứng cạnh y là một phụ nhân mặc áo xanh nhạt. Bà ăn mặc cũng phong phanh như y, mái tóc búi lên đơn giản, làn da khô khốc xám xịt, khóe mắt có vài nếp nhăn nhỏ; nhưng nhìn đường nét khuôn mặt thì có thể biết rằng – bà cũng đã từng là một mỹ nhân.

Bên chân bà là một bé gái bận váy hoa nhăn nhúm, hình như khá nhát gan, vẫn luôn trốn sau lưng nương. Thấy thiếu niên đang nhìn mình, khuôn mặt vốn đang sợ hãi của bé chợt nhoẻn ra một nụ cười, gọi y: “Ca ca!”

Trong mắt người được gọi là ca ca chợt ngập nước. Y cũng mỉm cười với bé gái, nhưng hình như vì xấu hổ, nên lập tức cúi đầu.

Ánh mắt thiếu niên lại dừng trên đôi màn tay bản thân.

Bàn tay vốn thon dài, lớn và chằng chịt vết chai đã không còn nữa, thay vào đó là một bàn tay nho nhỏ vẫn chưa lớn hết của thiếu niên, trên mu bàn tay có vài vết nứt nẻ, vừa chạm vào là đã nhoi nhói.

Mãi đến giờ phút này, y mới có thể tin được – đây không phải là âm tào địa phủ như y nghĩ, cũng không phải là mơ, mà là Giang Châu Ninh phủ, là Giang Châu Ninh phủ của mười mấy năm về trước – nơi y đã sinh ra và lớn lên,

Thiếu niên đó là Ninh Uyên.

Y không hiểu đã có chuyện gì xảy ra – rõ ràng là mình đã bị thiêu thành tro bụi rồi, thế mà không chết, ngược lại còn trở về thời còn thơ bé.

Ký ức cuối cùng là khuôn mặt mờ mờ ảo ảo của Tư Không Húc và không gian nóng rực, rồi hình như y ngất đi, ý thức hỗn độn. Hoàn hồn lại thì đã thấy xung quanh rất ồn, chưa kịp mở mắt ra thì đã bị lôi đi, như thể muốn kéo y đến chỗ nào đó. Y cứ nghĩ là Hắc Bạch vô thường đến bắt mình về địa ngực thôi, mãi đến khi y bị người ấn vào tuyết, cảm giác lạnh buốt đến xương mới làm y tỉnh táo lại.

Khoảnh khắc mở mắt ra, y cứ ngỡ mình đến cõi âm thật rồi, vì trước mắt y – là nương và muội muội đã qua đời từ lâu! Đang nghĩ là nếu chết mà gặp được người thân thì cũng không tệ, ai dè khi nhìn xung quanh, y mới khiếp sợ nhận ra – hình như mọi chuyện không đơn giản như thế.

Sống lại kiếp này – tuy chuyện này rất khó tin, nhưng chỉ có cách giải thích như vậy. Không biết có phải vì lời thề trước khi chết bị ông trời nghe thấy không? Hay vì y đã chửi trời? Nên trời mới chứng minh lại cho y thấy? Có rất nhiều khả năng, nhưng giờ y không có thể nghĩ thêm nữa, vì trước mắt y còn có một rắc rối lớn chờ giải quyết.

“Nói mau! Ngươi giấu đồ ở đâu rồi!” Mỹ phụ áo vàng xông đến, móng tay đỏ chót gần như chọc thẳng vào mũi Ninh Uyên.

Y chưa nói gì, nhưng thân nương y đang đứng cạnh đó – Đường thị – đã nhăn mày, nói trước: “Tam phu nhân, thiếp tuyệt không tin Uyên Nhi sẽ làm ra loại chuyện đó. Có phải đã có hiểu lầm gì không?”

Giọng bà dịu dàng như nước – lâu lắm không được nghe giọng nương rồi, cổ họng y giật giật, cảm xúc lại trào lên, phải cắn chặt môi mới ngăn được mình rơi nước mắt.

“Hiểu lầm? Đường Ánh Ngọc, miếng ngọc thạch đó là do đích thân Chiêu Nghi quận chúa ban cho Tương Nhi, để chúc nó đỗ thủ khoa thi Hương năm sau đấy! Có phải ngọc thường bạ đâu ném đấy đâu! Tương Nhi vẫn cất gọn nó trong phòng, để mãi không sao, sao con ngươi vừa đến cửa một chuyến là đã không cánh mà bay? Không phải thằng nhãi này trộm thì ngọc nó tự mọc chân chạy chắc!” Nghe Đường thị nói vậy, mỹ phụ áo vàng càng tức giận hơn: “Theo ta thấy ấy à, nhất định thằng nhóc tay chân táy máy này đã bị thân nương là ngươi xúi giục! Nữ tử xuất thân ti tiện như ngươi, lão gia chịu cho ngươi vào phủ đã là ân huệ bằng trời rồi! Ai dè chó không bỏ được thói ăn phân, lại còn mang cái tật ấy vào phủ nữa chứ!”

“Thôi được rồi.” Ả đang mắng đến là hăng say thì chợt bị một giọng nói hiền hòa cản lại: “Muội muội à, muội cũng là người có thân có phận, có mấy lời người khác nói thì được, chứ muội thì không được đâu. Dù xuất thân của Đường di nương có thế nào thì muội ấy cũng là thị thiếp của lão gia, Uyên Nhi có làm sai thì vẫn là thiếu gia trong phủ. Muội một câu ti tiện hai câu ti tiện, có phải là đang mắng dòng máu của lão gia, đang mắng lão gia phải không? Muốn bị gia pháp trừng trị ư?”

Người lên tiếng là người vẫn im lặng nãy giờ – người phụ nữ áo lam. Người Đường thị gọi là Tam phu nhân – mỹ phụ áo vàng – nghe vậy thì đờ ra, khẽ quỳ gối trước người lên tiếng: “Tỷ tỷ giáo huấn phải ạ, là muội muội lỡ lời rồi.”

Ninh Uyên nhìn một màn này trước mắt, đã hiểu được gần hết mọi chuyện.

Chuyện này xảy ra vào mùa đông năm y mười ba. Tam phu nhân Liễu thị vu cho y tội trộm một miếng ngọc bích của thứ huynh, cũng chính là con trai trưởng của ả – Ninh Tương. Vì thế, một đám người trong phủ mới rồng rắn đến tiểu viện của mẫu tử y để hỏi tội.

Người áo lam vừa nói là vợ cả của Võ An bá, cũng chính là đại phu nhân Nghiêm thị. Trừ thị thiếp ra thì Ninh Như Hải có tổng cộng ba vị phu nhân, theo thứ tự là: Đại phu nhân Nghiêm thị, Nhị phu nhân Triệu thị và Tam phu nhân Liễu thị. Nghiêm thị xuất thân danh môn, còn được triều đình sắc phong làm cáo mệnh, là phu nhân có vị trí cao nhất trong phủ này. Còn hai người còn lại, tuy là có địa vị cao hơn thị thiếp, còn được mang cái danh hão phu nhân; nhưng lại chẳng có chức quyền gì, nói thẳng toẹt ra thì chỉ là di nương.

Mắng Liễu thị rồi, Nghiêm thị liền nhìn sang Ninh Uyên, vẻ mặt hiền lành nói: “Uyên Nhi, con cứ nói thật với mẫu thân là được – con thực sự không lấy ngọc bội trong phòng Tương Nhi đúng không?”

Nhìn khuôn mặt dịu dàng của Nghiêm thị, trong đầu y xẹt qua lấy nhiều chuyện hồi trước.

Ở kiếp trước, Nghiêm thị cũng hỏi y với giọng điệu ôn hòa như vậy. Y thực sự không làm chuyện trộm cắp đó, lại ỷ vào sự tin tưởng của mẫu thân nên chết sống không chịu thừa nhận – nhưng khi đó y đâu có ngờ, một khi người ta đã rắp tâm hãm hại rồi, thì sao lại không chuẩn bị chu toàn được? Cuối cùng, vì y còn quá nhỏ không chịu nổi gia pháp nên nương y mới chịu dùm y, dẫn đến việc bị thương tổn gân cốt. Sau này, một cơn cảm lạnh nhẹ cũng đủ làm nương ngã gục, chịu đựng chẳng bao lâu đã ra đi, để lại y và muội muội vẫn còn non trẻ.

Thân nương mất sớm là nỗi đau cả đời của Ninh Uyên, giờ nếu đã quay lại được, đương nhiên y sẽ không dẫm lên vết xe đổ đó nữa. Mắt y chớp chớp, đột nhiên dập mạnh đầu xuống: “Mẫu thân, Uyên Nhi biết sai rồi! Đúng là Uyên Nhi đã trộm miếng ngọc đó!”

Lời này vừa nói ra, không chỉ Nghiêm thị mà cả thân nương y Đường thị và Liễu thị cách đó không xa cũng ngẩn người, sững sờ kinh ngạc.

Nhìn thiếu niên gầy yếu trước mắt, Nghiêm thị nhanh chóng điều chỉnh lại biểu tình, lộ ra vẻ trách cứ: “Hóa ra là con thật sao? Sao con lại làm vậy? Phụ thân cho các con đọc sách thánh hiền, học đạo Khổng Mạnh, chứ đâu cho con học theo phường trộm cắp!”

“Đương nhiên thi thư sẽ không dạy con làm loại chuyện này, nhưng Uyên Nhi làm vậy là có nguyên nhân cả, xin Người cho Uyên Nhi phân trần vài câu!”Ninh Uyên dập đầu như giã tỏi, cái đầu nhỏ liên tục đập xuống nền tuyết, phát ra tiếng bùm bụp.

Nhưng y đã tính toán rất kỹ – tuyết này còn đang mềm, rơi lại dày, tuy đập xuống sẽ kêu rất to, nhưng thực tế lại chẳng đau mấy. Xưa nay Nghiêm thị vẫn coi trọng mặt mũi, trước mắt người ngoài vẫn luôn diễn vẻ đoan trang hiền lành, nay y làm vậy đương nhiên là để bà ngại người ngoài mà không trách phạt y nữa, rồi sẽ phải nghe lời y nói.

Quả nhiên, vừa nghe Ninh Uyên nhận tội là Liễu thị đã xông đến, toan gọi gia nhân đến trừng phạt y, nhưng lại bị Nghiêm thị trừng mắt cản lại. Bà ta ho nhẹ một tiếng, rồi khẽ liếc sang Từ ma ma vẫn đứng bên mình.

Từ ma ma hiểu ý, liền bước lên đỡ Ninh Uyên dậy, nhẹ nhàng phủi tuyết dính trên trán y đi: “Sao Uyên thiếu gia phải dập đầu mạnh vậy, chỉ tổ hại thân mình thôi. Trước giờ Đại phu nhân vẫn làm việc công chính liêm minh, cớ sao không nghe lời ngài được!”

“Phải đấy, Uyên Nhi.” Nghiêm thị cũng dịu giọng xuống: “Nếu con có oan khuất điều gì thì cứ kể cho mẫu thân, mẫu thân sẽ thay con làm chủ.”

“Con tạ ơn mẫu thân ạ.” Y giả vờ nức nở khóc: “Thực ra Uyên Nhi lấy trộm ngọc của nhị ca… chỉ là để tặng tổ mẫu mà thôi!”

“Vớ vẩn! Còn lấy cớ là lão phu nhân xúi ngươi trộm đồ cơ đấy!” Liễu thị cười lạnh: “Có nói dối cũng tìm người mà nói, hắt nước bẩn lên người lão phu nhân mà ngươi cũng làm được à!”

“Đương nhiên không phải vậy ạ. Tổ mẫu đức cao vọng trọng như thế, Uyên Nhi kính yêu còn không kịp, sao có thể liên lụy chuyện này đến Người?” Y sụt sịt đáp: “Mấy ngày trước Uyên Nhi có đọc <Bách Hiếu thư>, thực sự là cảm động quá; lại nhớ đến đầu xuân là đại thọ sáu mươi của tổ mẫu, liền muốn học người ta chép một bản <Bách Hiếu thư> để tặng Người tỏ lòng hiếu đạo. Nhưng mà lá thông đắt quá, tiền tiêu hàng tháng của Uyên Nhi không đủ để mua, lại nghe nhị ca nói huynh ấy chẳng thiếu gì mấy thứ như vậy, nên trộm nghĩ… thiếu một thứ chắc cũng không sao… Chẳng ngờ miếng ngọc đó lại quý giá như vậy! Uyên Nhi sai rồi, xin mẫu thân trách phạt ạ!” Dứt lời, y lại dập đầu thật mạnh xuống tuyết.

Bốn bề lặng ngắt như tờ. Liễu thị vốn chanh chua cũng nghẹn họng, mà Nghiêm thị lại liên tục biến sắc.

Những lời Ninh Uyên vừa nói nhìn qua như chẳng có gì, nhưng mỗi câu mỗi chữ đều ẩn giấu huyền cơ.

Bây giờ, Thánh thượng đang lấy nhân hiếu để trị thiên hạ, xếp hạng đầu đương nhiên là đạo hiếu. <Bách Hiếu thư> là món quà mà Thánh thượng dâng lên Thái hậu nương nương nhân dịp đại thọ sáu mươi của Người, được làm bằng giấy từ lá thông, nội dung là một trăm điển tích cổ bắt đầu bằng chữ Hiếu, nên mới được gọi là Bách Hiếu thư. Cách làm này rất mới mẻ, lá thông còn có ngụ ý là sống lâu, càng làm cho <Bách Hiếu thư> trở nên nổi tiếng, chắc mấy chốc, nó đã trở thành món quà tặng sang trọng mà vãn bối hay tặng cho trưởng bối vào dịp mừng thọ.

Nếu đúng là Ninh Uyên lấy trộm ngọc bích vì lý do này thật, thì Nghiêm thị khó mà trách mắng y. Nếu chuyện này vào tai lão phu nhân thì bà sẽ nghĩ thế nào? Cháu bà vì muốn tận đạo hiếu mà làm chuyện sai trái, con dâu bà thế mà lại phạt nặng nó, có khác gì không nể mặt mũi bà không? Cái danh bất hiếu này, có một trăm Nghiêm thị cũng không dám ôm vào thân!

Huống gì vừa nãy Ninh Uyên cũng đã nói – vì lá thông quá đắt, y không đủ tiền mua nên mới đi trộm — chuyện này lại càng khó nói. Ai cũng biết là, dù lá thông có đắt hơn giấy Tuyên Thành một chút, nhưng mua có một xấp thì đáng bao nhiêu tiền? Giang Châu Ninh phủ cũng được coi như nhà giàu số một số hai ở đây, sao thiếu gia Ninh phủ lại không đủ tiền mua một xấp giấy được? Nguyên nhân thực sự là – người trong phủ vốn chẳng coi Ninh Uyên ra gì, Liễu thị còn tranh thủ cắt xén tiền của y đi!

Đương nhiên là Nghiêm thị biết, nhưng cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Ai ngờ Ninh Uyên lại dám nói trước mặt mọi người rằng nhị ca nó từng nói “chẳng thiếu gì mấy thứ ấy”, so sánh hai bên thật quá đối lập – đều là con trai thứ, vốn nên công bằng với nhau, thế mà một người không buồn để ngọc phụ thân ban cho vào mắt, một người lại chẳng có tiền mua một xấp giấy! Nếu chuyện này bất cẩn truyền đi, thì thể nào chẳng có người bảo bà là Đại phu nhân nhưng lại bên khinh bên trọng, không biết quản việc nhà!

Nghĩ thế, Nghiêm thị liền tức giận trừng Liễu thị. Thực ra lòng bà hiểu rõ, Liễu thị đã chướng mắt Ninh Uyên từ lâu rồi, chuyện hôm nay chắc chắn là do ả xếp đặt! Nhưng bà cũng không ưa xuất thân ti tiện của Đường thị từ lâu, nên khi Liễu thị tìm đến mới tiện đường hắt nước theo mưa, ai dè lại đẩy mình vào cảnh bước không được lùi chẳng xong thế này. Không cẩn thận là xấu hổ vào thân bà hết!

Nghiêm thị cũng thoáng nghi ngờ – có lẽ Ninh Uyên nói lời này là để chửi xéo người khác chăng? Nhưng nhìn thiếu niên đang quỳ trong tuyết, thân thể gầy yếu run run, khuôn mặt xanh trắng mang theo theo vệt nước mắt; bà lại bỏ ý nghĩ đó đi — một đứa trẻ mới mười ba thì biết cái gì được? Nó nói cũng là chuyện thực tế thôi, chẳng thêm thắt gì, nếu muốn tiếp tục phạt nó thì đúng là khó nói.

Bà bước lên hai bước, bàn tay trắng nõn đầy đặn đỡ Ninh Uyên lên: “Đứa trẻ ngoan này, dù con có sai thật, nhưng lòng tận hiếu này rất đáng quý, sao mẫu thân có thể phạt con được?”

Y mở to hai mắt, nức nở kêu: “Mẫu thân thực sự không phạt Uyên Nhi sao?”

Nghiêm thị dịu dàng lau nước mắt trên mặt y đi: “Đương nhiên rồi. Con trả ngọc lại cho nhị ca đi, rồi hứa với mẫu thân nhé – sau này có thiếu thốn gì thì cứ tìm mẫu thân, mẫu thân sẽ sắp xếp cho, chứ đừng làm chuyện trộm cắp vặt này nữa.”

“Nhưng, nhưng mà, ngọc có ở trong tay con nữa đâu.” Y lộ vẻ xấu hổ: “Con vốn định bán ngọc lấy tiền để đi mua lá thông, nhưng lại  bất cẩn làm mất mất rồi.”

Bà gật đầu: “Vậy cũng không sao, mất rồi thì thôi. Không có lần sau đâu nhé.” Rồi quay lại nhìn Liễu thị, tỏ ý trách mắng: “Mau kiểm tra lại chuyện tiền tiêu hàng tháng của mẫu tử Đường thị, nếu thiếu, lập tức bổ sung!”

Liễu thị cong gối, vâng dạ nghe theo.

“Uyên Nhi tạ ơn mẫu thân ạ, con nhất định sẽ vâng lời Người.” Rồi y nhìn sang Liễu thị: “Liễu di nương cũng không giận Uyên Nhi nữa chứ?”

Sắc mặt Liễu thị đã méo mó từ lâu – có chết ả cũng không ngờ mọi sự sẽ xoay chuyển như thế! Ả vốn đã sắp xếp xong hết rồi, chỉ cần Ninh Uyên không thừa nhận, ả sẽ cho người tìm kiếm ở đây rồi tìm ra vật đó; đến lúc ấy, tang chứng vật chứng rành rành, ả nhất định phải móc mắt lột da đôi mẫu tử này ra! Ai ngờ Ninh Uyên lại thừa nhận như thế, làm ả không thể diễn tiếp màn tiếp theo được, lại càng không thể chọc thủng lời nói dối của y – thế có khác gì giấu đầu lòi đuôi?

“Không trách, không trách.” Nghiêm thị đã quyết rồi, thì ả cũng đành khoát tay cho qua.

“Sau này sẽ không trách Uyên Nhi nữa chứ?” Y lại hỏi.

“Sau này cũng không!” Ả buồn bực vứt lại một câu, rồi dẫn theo đám người ra khỏi tiểu viện.

“Từ sáng sớm đã ồn ào rồi, chắc con cũng mệt, mau về nhà với nương con đi.” Nghiêm thị săn sóc nói với y như thế, rồi cũng dẫn người rời đi. Thoáng chốc, sân nhà vốn đầy người lại trở về trống rỗng, chỉ còn lại ba mẫu tử Ninh Uyên.

“Uyên Nhi, con vào đây với ta.” Thấy đám người đi xa rồi, Đường thị mới lạnh lùng nói, đoạn đẩy rèm bước vào phòng ngủ.

Muội muội y – Ninh Hinh Nhi – còn ngây thơ chẳng hiểu gì, nhảy nhót kéo tay y vào phòng trong. Ninh Uyên đứng lên từ đám tuyết, phủi phủi mấy cái, cười khổ nắm tay em, theo Đường thị vào nhà.


Seven: Hiện đại mindset gây cản trở cho văn cổ trang, nếu có vấn đề thỉnh hồi đáp TvT

<— Chương trước  Mục lục — Chương sau —>

 

22 thoughts on “[Thứ Tử] _ 002.

  1. Vừa trọng sinh về bẹn Ninh đã xoay chuyển tình thế được rồi, lại còn khéo nữa chứ =)) hihi

    Like

    1. Hihi để tôi hoàn Khí Tử đã rồi tập trung vào bộ này luôn (cân não quá mà QAQ)
      Cô có thấy stuck ở đoạn xưng hô này hem? Cái tôi đang băn khoăn đấy TvT

      Liked by 1 person

      1. Xưng hô ổn mà, đọc rất thuận miệng. Nếu cô để “nương” thay “mẹ” thì mới khó nuốt ấy 🙂

        Like

      1. Nàng mau mau quay lại thix khí tử để viết tiếp đi
        Ta mài răng hóng lâu lắm roiif đó
        😘😘

        Like

        1. Trời. Vừa vào chưa kịp nhìn ngó j đã cmt cho nàng luôn
          Sau nhìn xuống mới biết nàng đã viết khí tử
          Yêu nàng nhiều 😘😘
          Ta đi đọc đây.

          Like

( ☉д⊙) (´◑ω◐`) (*´﹃`*) _(:3 」∠)_ ( ͡° ͜ʖ ͡°) |ω・) ( ´థ౪థ) (=⌒▽⌒=) (。・ω・。) (❁´◡`❁) ˙˚ʚ(´◡`)ɞ˚˙  ヽ(^Д^)ノ (♥_♥) (/ω\) (^///^) (⁄ ⁄•⁄ω⁄•⁄ ⁄)⁄ ಥ‿ಥ (´∩`。) ▄█▀█● Σ(゚Д゚;) Σ(゚口゚;)// ∑(゚∇゚|||) щ(゚Д゚щ) (¬‿¬) (눈‸눈) WHATщ(゚Д゚щ)